Dịch vụ cầm đồ

Chắc chẳng ai xa lạ với những dịch vụ cầm đồ đang mọc lên như nấm như hiện nay.

Đây là nơi bạn có thể trao đổi những món từ Vàng, bạc (hình như có nhiều nơi không cầm Bạc) đến điện thoại di động, hàng điện tử...tất tần tật miền là đồ có giá trị từ vừa đến lớn để có số tiền mặt tương đương để tiêu xài (nhất định là xài rồi vì chẳng có ai đi cầm đồ mà để lấy số tiền ít ỏi đó để kinh doanh hay đầu tư cả), chi trả cho những lần ăn chơi quá đà, những thứ lặt vặt khác...

Bản chất của các dịch vụ này không xấu, nó được mở ra cho những ai không biết "liệu cơm gắp mắn" thêm một ít cơm và mắn để ăn, để chơi, để sắm và để "sĩ".

Thế bạn đã bao giờ đặt chân đến một dịch vụ cầm đồ nào chưa?
Hoặc có bao giờ bạn nghĩ sẽ có ngày mình sẽ cần đến "sự giúp đỡ" của những dịch vụ như thế này?
Hay bạn có biết đến sự tồn tại của chúng không?

Đảm bảo rằng sẽ có nhiều người nghĩ rằng những người đến những dịch vụ như thế này là những kẻ chẳng ra đâu vào đâu, những đứa ăn bám, những kẻ nghiện ngập, những thằng ăn cắp, hoặc đại loại như thế...

Nhưng với tôi, khi con người ta bị dồn đến bước đường cùng thì cái tôi có gì quan trọng nữa, lúc đó thì không gì là không thể, không gì là không thể suy nghĩ được, không gì là không thể làm được.

Tôi cũng chẳng nghĩ rằng sẽ có ngày tôi đặt chân đến những nơi như thế, thậm chí trước đó tôi cũng chẳng hề có suy nghĩ về nó nữa, nhưng tôi biết đến sự tồn tại của chúng vì tôi có thói quen thích quan sát và cố nhớ những thứ trên những con đường tôi đi qua, điều này giúp ích rất nhiều khi cần thiết.

Và tôi không biết rồi sau này sẽ có lần mình sẽ trở lại những nơi như thế này?!?

Cái Tấm bằng CĐ...treo

Hôm nay cầm trên tay Tấm bằng CĐ mà lòng vui vui.

Hôm nay mới thật sự là ngày tốt nghiệp của mình, mặc dù đã ra trường và đi làm vào năm 2006.

Nghĩ lại cũng có nhiều điều khiến mình phải suy nghĩ.

Thứ 1, đó là nghĩ về Mẹ. Mẹ luôn nhắc nhở mình lấy cái bằng để sau này còn dùng. Do sự nhắc nhở không ngừng đó mà mình quyết tấm lấy cái bằng cho được.

Thứ 2, không được tham dự Lễ TN, nghĩ cũng buồn.

Thứ 3, không học hoàn thiện ĐH được. Nếu ngày đó mà cố gắng trả nợ thì đã có cái bằng CĐ để có thể học tiếp bậc hoàn thiện ĐH ở ĐH Khoa học xã hội và nhân văn rồi.

Nhưng không sao, cũng có nhiều chuyện xảy ra nhờ cái bằng treo đó.

Thứ 1, trì hoàn đi nghĩa vụ được 2 năm, và giờ thì cũng đã lo luôn rồi, không phải đi nữa. (Hy vọng thế!)

Thứ 2, đi làm, gặp được nhiều bạn mới, bạn vui, bạn buồn, bạn tốt, bạn xấu, bạn lười, bạn siêng, bạn thân...và đặc biệt là tìm được một nữa của đời mình.

....

Còn nhiều điều khác xung quanh cái bằng này nhưng chỉ nghĩ vẩn vơ đến đây thôi.
Bây giờ nghĩ tiếp mình sẽ làm gì khi đã có cái bằng CĐ này rồi.


Suy nghĩ trên đường

Đối với mình những lúc chạy xe trên đường một mình, hoặc những lúc đứng chờ đèn đỏ, những lúc kẹt xe là lúc đầu óc suy nghĩ tùm lum.

Những lúc đó đầu óc cứ nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, cứ nhìn cái gì là nghĩ ngay, một hành động nào đó xảy ra cũng nghĩ ngay, một lời nói phát ra là nghĩ ngay...

Hôm nay, 29-09-2009 có một vài chuyện xảy ra khiến mình nghĩ vẩn nghĩ vơ:

- Đó là thời gian chờ đèn đỏ ở ngã tư Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn. Cứ suy nghĩ mãi tại sao thời gian chờ đèn đỏ là dài tới tận 80 giây, trong khi đèn xanh chỉ có vỏn vẹn 30 giây mặc dù mật xe lưu thông rất đông. Có lẽ do mật độ xe lưu thông từ đường Hoàng Minh Giám vào Nguyễn Thái Sơn nhiều, mà nếu để hơn 30 thì có lẽ sẽ gây quá tải chăng? Nghĩ mãi, nghĩ mãi mà chưa hiểu lý do tại sao?

- Khi đang chạy trên đường Nguyễn Thái Sơn thì thấy một người Mẹ chở con đang quẹo vào đường Phạm Ngũ Lão. Suy nghĩ mãi để tìm lý do chính đáng là tại sao Mẹ đội nón bảo hiểm để an toàn mà lại không cài dây; đã nghĩ đến an toàn tại sao lại không đội nón bảo hiểm cho cả con mình?!? Thấy dòng xe cứ chạy tấp lập, hối hả mà lòng lại lo lo. Lo là vì có thể bất chợt một cơn gió thổi qua có thể hất tung cái nón bảo hiểm xuống đường và có thể sẽ có tai nạn giao thông. Đội nón bảo hiểm an toàn và đúng không chỉ bảo vệ cho chính mình, mà còn tránh xảy ra những tai nạn ngoài mong muốn.

- Chứng kiến người đàn ông chủ bán cơm quát (DÙM) một em bé chắc độ khoảng 2 tuổi đang nhỏng nhẻo mà thấy thương nó và buồn cho bố mẹ nó. Nếu là mình thì sẽ không có chuyện ai trong gia đình được phép đối xử với em bé như thế, huống hồ gì một kẻ xa lạ. Hành động quát mắng hay thậm chí đánh một em bé là không thể chấp nhận được. Dạy dỗ bằng những lời nói nhẹ nhàng bao giờ cũng hiệu qủa hơn một hành động bạo lực, vì hành động (bạo lực) chưa bao giờ là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề cả.

- Muốn học tiếng Anh, học thêm khóa Digital marketing mà nghĩ chưa ra...tiền nằm chỗ nào để mượn, để lấy, để chôm, để vơ...